23 thg 8, 2010

Đại Chủng viện: Nơi khởi đầu của sự canh tân Giáo phận


Giáo phận vinh Online:
Đại Chủng viện là con ngươi của Giám mục. Việc canh tân giáo phận phải bắt đầu bằng việc canh tân Đại Chủng viện.

Khi bắt đầu sứ vụ giám mục của mình, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã rất chú trọng đến việc đào tạo các linh mục tương lai của giáo phận. Đại Chủng viện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ngài. Chính vì thế, buổi sáng ngày 19/08/2010, ngài có cuộc họp với ban đào tạo của Đại Chủng viện Vinh Thanh, với sự hiện diện Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh (Giám mục Giáo phận Thanh Hóa) và các Cha trong ban đào tạo hai Giáo phận.
Nội dung cuộc họp tập trung vào việc điều chỉnh lại cơ cấu Đại Chủng viện và cùng trao đổi, thảo luận về công việc đào tạo linh mục sao cho có kết quả tốt và phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Canh tân cơ cấu Đại Chủng viện

Đại Chủng viện Vinh Thanh, cũng gọi là Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, được thành lập năm 1988, dựa trên cơ sở của Đại Chủng Viện Xã Đoài. Đó là kết quả từ những cố gắng của hai Đức Cha Phêrô Trần Xuân Hạp và Đức Cha Phêrô Phạm Tần trong một hoàn cảnh đầy khó khăn.
Đại Chủng viện Vinh Thanh có chức năng đào tạo linh mục cho hai Giáo phận Vinh và Thanh Hóa. Cho tới nay, Đại Chủng viện Vinh Thanh đã thâu nhận 11 khóa với 373 chủng sinh. Đã có 8 khóa ra trường và đào tạo cho hai Giáo phận trên 200 linh mục.
Xét về cơ cấu, khi thành lập, Đức Cha Phêrô Trần Xuân Hạp (Giám mục Vinh) giữ vai trò Giám đốc. Đức Cha Phêrô Tần (Giám mục Thanh Hóa) làm Phó Giám đốc. Ban đào tạo trong Chủng viện gồm có: Cha bề trên, các cha giáo, cha linh hướng và các cha giải tội. Truyền thống đó tiếp tục đến hôm nay.
Để tránh việc quản trị theo “kiểu bao cấp”, Đại Chủng viện Vinh Thanh cần cơ cấu lại theo Giáo luật 1983 quy định. Hai Đức Cha đã đồng thuận trao lại chức vụ Giám đốc và Phó Giám đốc cho Chủng viện. Từ nay, người đứng đầu điều hành Chủng viện sẽ không còn gọi là Cha Bề trên nữa, mà được gọi là Cha Giám đốc.

Tiếp đến, tính liên Giáo phận của Đại Chủng viện cũng được bàn trong phiên họp này. Từ bản chất và tên gọi, Đại Chủng viện Vinh Thanh vốn mang tính liên giáo phận. Trong tương lai gần, Hà Tĩnh và Quảng Bình sẽ được tách ra thành một giáo phận mới, nên Đại Chủng viện Vinh Thanh lại càng mang tính liên Giáo phận rõ nét hơn.
Theo ý kiến của Đức Cha Phaolô và các cha, ngoài các Giáo sư thỉnh giảng thì Đại Chủng viện Vinh Thanh cần có ít nhất một linh mục Giáo phận Thanh Hóa nội trú tại Đại Chủng viện để cộng tác với ban đào tạo. Sau khi thảo luận, Đức Giám mục Thanh Hóa đồng ý và cử Cha Giuse Vũ Thanh Long đảm nhiệm công tác này. Đây là một bước tiến mới, xóa đi những “mặc cảm” vốn có từ trước như “Đại Chủng viện là của Vinh, Thanh Hóa chỉ vào học nhờ mà thôi”. Sự bổ sung này sẽ làm phong phú cho ban đào tạo và mang lại nhiều lợi ích cho các chủng sinh, nhất là chủng sinh Thanh Hóa.

Những bổ nhiệm mới

Sau khi tham khảo ý kiến của các linh mục trong ban đào tạo, hai Đức Cha đã bổ nhiệm ban điều hành mới của Đại Chủng viện Vinh Thanh (nhiệm kỳ 4 năm, 2010-2014) như sau:
1. Cha G.B. Nguyễn Khắc Bá làm Giám đốc.
2. Cha Giuse Vũ Thanh Long làm Phó Giám đốc, đặc trách đời sống.
3. Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên làm Phó Giám đốc, kiêm Giám học.
4. Cha Gioan Nguyễn Hồng Pháp làm Quản lý.
5. Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm, Linh hướng cùng với Cha Gioan TC Nguyễn Phước.

Bàn về việc đào tạo linh mục

Mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội là làm sao để đào tạo các linh mục thánh thiện, có khả năng đáp ứng cho công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay.
Việc đào tạo ở Đại Chủng viện không chỉ đơn thuần là “truyền đạt kiến thức” hay là học một số “kỹ thuật mục vụ” nhưng phải là sự huấn luyện mang tính toàn diện con người linh mục tương lai. Việc đào tạo phải đụng chạm và có sức biến đổi toàn bộ con người của họ, từ cách suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa, hành động và cả những động lực thúc đẩy họ. Tính toàn diện đó được tóm lại trong bốn cột trụ chính của việc đào tạo ở chủng viện: nhân bản, tri thức, tu đức và mục vụ mà Công đồng Vatican II, đặc biệt là Tông huấn Đào tạo linh mục (Pastores Dabo vobis) hướng dẫn.
Theo tinh thần đó, Đức Cha Phaolô cho rằng cần chân thành nhìn lại kết quả đào tạo của Đại Chủng viện trong những năm qua. Ban điều hành mới cần phải làm việc nhiều hơn để làm sao công việc đào tạo có kết quả tốt hơn và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của hai Giáo phận Vinh và Thanh Hóa. Đồng thời, Đại Chủng viện phải tăng cường sự đồng hành của các Cha đào tạo với từng lớp và từng chủng sinh. Mỗi lớp sẽ có cha đặc trách hướng dẫn và theo dõi các chủng sinh. Nhờ sự đồng hành này, các cha đào tạo biết rõ hơn các chủng sinh và hướng dẫn họ trên con đường ơn gọi.
Đại Chủng viện cần tạo ra bầu khí cởi mở giữa các nhà đào tạo và các chủng sinh. Sự cởi mở này không phải là sự “niềm nở” chào hỏi nhau nhưng là thái độ quảng đại, đón nhận và cộng tác của chủng sinh trong việc huấn luyện mình trở thành linh mục. Đây là thái độ cần thiết cho việc đào tạo các linh mục. Chúng ta không thể chấp nhận những ứng sinh linh mục được đào tạo theo kiểu “nín thở qua sông”.
Vấn đề “đầu vào”“đầu ra” của Đại Chủng viện cũng được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp. Việc đào tạo sẽ có vấn đề nếu “đầu vào” là 20 chủng sinh và “đầu ra” là 20 linh mục. Điều này nói lên cái gì đó chưa “bình thường” trong quá trình đào tạo.
Chính vì thế, trong quá trình đào tạo, những người hữu trách xét thấy có những chủng sinh không phù hợp với đời sống và sứ vụ linh mục thì phải can đảm hướng dẫn họ lựa chọn con đường khác. Nhất là trong thời gian 2 năm đầu Triết học. Không nên để đến năm cuối cùng vì sẽ tạo ra những khó khăn, càng không nên đợi đến ngày chuẩn bị chịu chức linh mục.
Ban điều hành mới sẽ làm việc nhiều hơn về chương trình đào tạo của Đại Chủng viện. Đức Cha Phaolô cũng mong muốn Đại Chủng viện sẽ mời nhiều hơn nữa các giáo sư từ ngoài về để bổ túc những môn học còn thiếu.
Ngoài ra, vấn đề mục vụ ơn gọi tiền Chủng viện và việc tuyển các chủng sinh vào Đại Chủng viện của Giáo Phận Vinh cũng cần phải xem lại. Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại những cuộc gặp gỡ các linh mục trong tương lai.

Đại Chủng viện được tự lập về tài chính

Từ trước tới giờ, vấn đề kinh phí đào tạo và đời sống của Đại Chủng viện lệ thuộc vào Tòa Giám mục. Hằng năm Tòa Thánh giúp kinh phí cho Chủng viện. Kinh phí đó được chuyển về Tòa Giám mục. Tòa Giám mục chịu trách nhiệm quản lý và chi trả các chi phí của Chủng viện. Đức Cha Phaolô quyết định: Từ nay, kinh phí trợ giúp đó được trực tiếp chuyển thẳng về Đại Chủng viện quản lý và chi trả. Việc xây dựng những cơ sở lớn của Đại Chủng viện do Giáo phận.
Đức Cha Phaolô cũng đề nghị tăng tiền ăn của mỗi chủng sinh lên từ 18 đến 20.000 đồng/ngày; “thay vì ăn ít mà phải mua thuốc uống thì nên dùng tiền đó vào tiền ăn thì tốt hơn”.
Hai Đức Cha và ban đào tạo thống nhất là hai Giáo phận sẽ dành một ngày quyên tiền giúp Đại Chủng viện. Ngày đó sẽ là Chúa nhật Chúa Chiên Lành hằng năm. Mọi đóng góp sẽ được chuyển về Đại Chủng viện.

Kết luận

Công việc huấn luyện con người luôn là công việc khó nhọc, đòi hỏi nhiều dấn thân, đặc biệt trong việc đào tạo và huấn luyện các linh mục. Sức sống của Giáo phận tùy thuộc rất nhiều vào kết quả đào tạo tại Đại Chủng viện. Đức Cha Phaolô cám ơn những cố gắng của các cha đã quảng đại và dấn thân trong lĩnh vực khó khăn này. Hy vọng những cố gắng đó được sinh hoa kết trái như lời thánh Phaolô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,7).


Lm: Phêrô Nguyễn Văn Hương