23 thg 8, 2010

Giáo xứ Thượng Lộc đón mừng tuần chầu đền tạ


Vào hồi 16h chiều ngày 20/08/2010 cộng đoàn Gx Thượng Lộc hân hoan vui mừng đón rước ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp về dâng thánh lễ cầu nguyện cho 86 con em trong Gx được lãnh nhận bí tích hoà giải và rước lễ lần đầu, trong tuần chầu lượt của giáo xứ. Tiếp đó, vào lúc 7h30 sáng ngày 22/08 ĐGM Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, cùng 16 linh mục trong và ngoài giáo hạt Xã Đoài đã đồng dâng thánh lễ trong ngày cao điểm của tuần chầu lượt giáo xứ.
Nhìn bề ngoài, ĐGM tiền nhiệm cùng các linh mục và quan khách thường tham dự các dịp lễ lớn như tuần chầu lượt, lễ quan thầy của giáo xứ, lễ giáng sinh hàng năm một năm một lần không khỏi ngạc nhiên, khi thấy không khí tổ chức tuần chầu lượt của giáo xứ năm nay khác hẳn những thánh lễ trước đây. Xét về mặt tổ chức, giáo xứ có 27 giáo tổ chia sẻ lời Chúa, chia thành 4 giáo vùng. Theo truyền thống trong giáo xứ, mỗi giáo tổ trong xứ đều có một cổng chào, những cổng chào này sẽ được 27 tổ dựng lên dọc các tuyến đường trong giáo xứ vào mỗi dịp lễ lớn. 
Mời xem lại hình ảnh giáo xứ tổ chức tuần chầu lượt năm 2009 tại: http://picasaweb.google.com/tranxuanhuyen/HinhAnhGiaoXuThuongLocGpVinhToChucTuanChauEnTa#

Hình ảnh trong khuôn viên nhà thờ trong tuần chầu 2009

Đoàn LM đồng tế thánh lễ cao điểm của tuần chầu lượt 2009
Năm 2010 là năm thứ 3 giáo xứ được nâng lên hàng giáo xứ, nên giáo dân trong giáo xứ luôn mong muốn để lại những dấu ấn cho những quan khách mỗi lần về hiệp thông cùng giáo xứ trong mỗi dịp đại lễ (Lễ chầu lượt, lễ quan thầy, lễ giáng sinh ...). Con người Thượng Lộc đã có truyền thống tôn trọng khách, nên luôn mong muốn được thể hiện quan điểm của mình trước hết là về tổ chức (bề ngoài). Giáo dân luôn mong muốn tổ chức các dịp đại lễ thật long trọng và hoành tráng để nói lên tinh thần hiệp nhất trong việc sống đạo và giữ đạo. Bên cạnh đó, việc tổ long trọng và hoành tráng cũng mang tính chất truyền giáo cho những quan khách chưa nhận biết Chúa khi về chung vui các dịp lễ với các gia đình giáo dân trong giáo xứ. Với những mục đích trên, giáo dân Thượng Lộc luôn mong muốn được giữ những nét đẹp truyền thống đã có từ lâu trong giáo xứ, chứ không phải tổ chức với mục đích khoe khoang, phô trương ... như nhiều người nói. Giáo dân trong giáo xứ có tinh thần bên trong như thể nào thì mới thể hiện ra được bên ngoài như vậy.

Đoàn rước nhập lễ sáng 22/08/2010

ĐGM Gp và đoàn linh mục đồng tế (chiều thứ  6 ngày 20/08/2010)

Giờ chầu ngày cao điểm 22/08

ĐGM, Linh mục, các tu sĩ và giáo dân đều hướng về Thánh thể Chúa




ĐGM cùng các Lm đồng tế và các em giúp lễ, lễ sinh, đội dâng lễ vật
Nhìn chung trong các ngày lễ của tuần chầu lượt, giáo dân tham dự đầy đủ và sốt sắng mặc dù có chậm giờ giấc vì lý do thời tiết, một lý do hợp lý. Thánh lễ khai mạc, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu sáng thứ 6 gồm có 9 linh mục trong đó cha hạt mới Fx Võ Thanh Tâm chủ tế, sau thánh lễ 86 con em trong giáo xứ được lãnh nhận bí tích hoà giải. Cũng trong thời điểm trên bà con giáo dân trong xứ cũng tập trung về giáo xứ để xưng tội. 
Chiều cùng ngày, giáo xứ long trọng đón rước ĐGM Gp Phaolô Nguyễn Thái Hợp về dâng thánh lễ cầu nguyện cho các em xưng tội và rước lễ lần đầu.
ĐGM Gp cho các em rước lễ lần đầu.
Sang ngày thứ 7, lễ kính Đức Mẹ, linh mục quản hạt chủ tế cùng 8 cha trong và ngoài hạt đồng tế. Trong bài giảng lễ kính Đức mẹ, Linh mục Antôn Hoàng Trung Hoa đã nhấn mạnh về 4 nét đẹp của Đức Maria: Nét đẹp về sự vâng phục, nét đẹp về sự trinh khiết, nét đẹp khao khát vào Chúa và nét đẹp về đức yêu thương. "Đức mẹ không phải là một thiếu nữ có ngoại hình nghiêng nước nghiêng thành, bởi nếu Đức mẹ có ngoại hình như thế thì Đức mẹ khó có thể lọt qua được con mắt của các quan quyền ngày xưa để đến với Thánh cả Giuse, chàng thanh niên làm thợ mộc ở làng Nagiaret. Như vậy Đức mẹ phải có một nét đẹp nào khác khiến các nhà thơ, nhà văn, các nhạc sĩ hoạ sĩ đã nói: Đức trinh nữ tuyệt mỹ, đẹp như vầng trăng thanh ...".
Sang ngày chủ nhật,22/08/2010 ĐGM Phaolô Maria Cao Đình Thuyên cùng 16 linh mục trong và ngoài giáo hạt đã đồng dâng thánh lễ trong ngày cao điểm tuần chầu đền tạ của giáo xứ. Thánh lễ được cử hành rất long trọng và sốt sắng, sau thánh lễ là giờ chầu thánh thể do ca đoàn giáo xứ Bổ Sơn phụng vụ. Những tiếng đàn, lời ca, lời cầu nguyện
được cất lên là những lời nguyện xin tha thiết nhất 
ĐGM và các linh mục đang suy ngẫm giờ chầu Thánh Thể
của đoàn con cái dâng lên Chúa.
Tuần chầu đã kết thúc và chắc chắn Thiên Chúa đã để lại trong tâm hồn của mỗi giáo dân những hồng phúc mà Chúa luôn ban tặng cho những ai chạy đến với Chúa.










Xem thêm hình ảnh tuần chầu lượt tại đây: 

Đại Chủng viện: Nơi khởi đầu của sự canh tân Giáo phận


Giáo phận vinh Online:
Đại Chủng viện là con ngươi của Giám mục. Việc canh tân giáo phận phải bắt đầu bằng việc canh tân Đại Chủng viện.

Khi bắt đầu sứ vụ giám mục của mình, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã rất chú trọng đến việc đào tạo các linh mục tương lai của giáo phận. Đại Chủng viện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ngài. Chính vì thế, buổi sáng ngày 19/08/2010, ngài có cuộc họp với ban đào tạo của Đại Chủng viện Vinh Thanh, với sự hiện diện Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh (Giám mục Giáo phận Thanh Hóa) và các Cha trong ban đào tạo hai Giáo phận.
Nội dung cuộc họp tập trung vào việc điều chỉnh lại cơ cấu Đại Chủng viện và cùng trao đổi, thảo luận về công việc đào tạo linh mục sao cho có kết quả tốt và phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Canh tân cơ cấu Đại Chủng viện

Đại Chủng viện Vinh Thanh, cũng gọi là Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, được thành lập năm 1988, dựa trên cơ sở của Đại Chủng Viện Xã Đoài. Đó là kết quả từ những cố gắng của hai Đức Cha Phêrô Trần Xuân Hạp và Đức Cha Phêrô Phạm Tần trong một hoàn cảnh đầy khó khăn.
Đại Chủng viện Vinh Thanh có chức năng đào tạo linh mục cho hai Giáo phận Vinh và Thanh Hóa. Cho tới nay, Đại Chủng viện Vinh Thanh đã thâu nhận 11 khóa với 373 chủng sinh. Đã có 8 khóa ra trường và đào tạo cho hai Giáo phận trên 200 linh mục.
Xét về cơ cấu, khi thành lập, Đức Cha Phêrô Trần Xuân Hạp (Giám mục Vinh) giữ vai trò Giám đốc. Đức Cha Phêrô Tần (Giám mục Thanh Hóa) làm Phó Giám đốc. Ban đào tạo trong Chủng viện gồm có: Cha bề trên, các cha giáo, cha linh hướng và các cha giải tội. Truyền thống đó tiếp tục đến hôm nay.
Để tránh việc quản trị theo “kiểu bao cấp”, Đại Chủng viện Vinh Thanh cần cơ cấu lại theo Giáo luật 1983 quy định. Hai Đức Cha đã đồng thuận trao lại chức vụ Giám đốc và Phó Giám đốc cho Chủng viện. Từ nay, người đứng đầu điều hành Chủng viện sẽ không còn gọi là Cha Bề trên nữa, mà được gọi là Cha Giám đốc.

Tiếp đến, tính liên Giáo phận của Đại Chủng viện cũng được bàn trong phiên họp này. Từ bản chất và tên gọi, Đại Chủng viện Vinh Thanh vốn mang tính liên giáo phận. Trong tương lai gần, Hà Tĩnh và Quảng Bình sẽ được tách ra thành một giáo phận mới, nên Đại Chủng viện Vinh Thanh lại càng mang tính liên Giáo phận rõ nét hơn.
Theo ý kiến của Đức Cha Phaolô và các cha, ngoài các Giáo sư thỉnh giảng thì Đại Chủng viện Vinh Thanh cần có ít nhất một linh mục Giáo phận Thanh Hóa nội trú tại Đại Chủng viện để cộng tác với ban đào tạo. Sau khi thảo luận, Đức Giám mục Thanh Hóa đồng ý và cử Cha Giuse Vũ Thanh Long đảm nhiệm công tác này. Đây là một bước tiến mới, xóa đi những “mặc cảm” vốn có từ trước như “Đại Chủng viện là của Vinh, Thanh Hóa chỉ vào học nhờ mà thôi”. Sự bổ sung này sẽ làm phong phú cho ban đào tạo và mang lại nhiều lợi ích cho các chủng sinh, nhất là chủng sinh Thanh Hóa.

Những bổ nhiệm mới

Sau khi tham khảo ý kiến của các linh mục trong ban đào tạo, hai Đức Cha đã bổ nhiệm ban điều hành mới của Đại Chủng viện Vinh Thanh (nhiệm kỳ 4 năm, 2010-2014) như sau:
1. Cha G.B. Nguyễn Khắc Bá làm Giám đốc.
2. Cha Giuse Vũ Thanh Long làm Phó Giám đốc, đặc trách đời sống.
3. Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên làm Phó Giám đốc, kiêm Giám học.
4. Cha Gioan Nguyễn Hồng Pháp làm Quản lý.
5. Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm, Linh hướng cùng với Cha Gioan TC Nguyễn Phước.

Bàn về việc đào tạo linh mục

Mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội là làm sao để đào tạo các linh mục thánh thiện, có khả năng đáp ứng cho công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay.
Việc đào tạo ở Đại Chủng viện không chỉ đơn thuần là “truyền đạt kiến thức” hay là học một số “kỹ thuật mục vụ” nhưng phải là sự huấn luyện mang tính toàn diện con người linh mục tương lai. Việc đào tạo phải đụng chạm và có sức biến đổi toàn bộ con người của họ, từ cách suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa, hành động và cả những động lực thúc đẩy họ. Tính toàn diện đó được tóm lại trong bốn cột trụ chính của việc đào tạo ở chủng viện: nhân bản, tri thức, tu đức và mục vụ mà Công đồng Vatican II, đặc biệt là Tông huấn Đào tạo linh mục (Pastores Dabo vobis) hướng dẫn.
Theo tinh thần đó, Đức Cha Phaolô cho rằng cần chân thành nhìn lại kết quả đào tạo của Đại Chủng viện trong những năm qua. Ban điều hành mới cần phải làm việc nhiều hơn để làm sao công việc đào tạo có kết quả tốt hơn và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của hai Giáo phận Vinh và Thanh Hóa. Đồng thời, Đại Chủng viện phải tăng cường sự đồng hành của các Cha đào tạo với từng lớp và từng chủng sinh. Mỗi lớp sẽ có cha đặc trách hướng dẫn và theo dõi các chủng sinh. Nhờ sự đồng hành này, các cha đào tạo biết rõ hơn các chủng sinh và hướng dẫn họ trên con đường ơn gọi.
Đại Chủng viện cần tạo ra bầu khí cởi mở giữa các nhà đào tạo và các chủng sinh. Sự cởi mở này không phải là sự “niềm nở” chào hỏi nhau nhưng là thái độ quảng đại, đón nhận và cộng tác của chủng sinh trong việc huấn luyện mình trở thành linh mục. Đây là thái độ cần thiết cho việc đào tạo các linh mục. Chúng ta không thể chấp nhận những ứng sinh linh mục được đào tạo theo kiểu “nín thở qua sông”.
Vấn đề “đầu vào”“đầu ra” của Đại Chủng viện cũng được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp. Việc đào tạo sẽ có vấn đề nếu “đầu vào” là 20 chủng sinh và “đầu ra” là 20 linh mục. Điều này nói lên cái gì đó chưa “bình thường” trong quá trình đào tạo.
Chính vì thế, trong quá trình đào tạo, những người hữu trách xét thấy có những chủng sinh không phù hợp với đời sống và sứ vụ linh mục thì phải can đảm hướng dẫn họ lựa chọn con đường khác. Nhất là trong thời gian 2 năm đầu Triết học. Không nên để đến năm cuối cùng vì sẽ tạo ra những khó khăn, càng không nên đợi đến ngày chuẩn bị chịu chức linh mục.
Ban điều hành mới sẽ làm việc nhiều hơn về chương trình đào tạo của Đại Chủng viện. Đức Cha Phaolô cũng mong muốn Đại Chủng viện sẽ mời nhiều hơn nữa các giáo sư từ ngoài về để bổ túc những môn học còn thiếu.
Ngoài ra, vấn đề mục vụ ơn gọi tiền Chủng viện và việc tuyển các chủng sinh vào Đại Chủng viện của Giáo Phận Vinh cũng cần phải xem lại. Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại những cuộc gặp gỡ các linh mục trong tương lai.

Đại Chủng viện được tự lập về tài chính

Từ trước tới giờ, vấn đề kinh phí đào tạo và đời sống của Đại Chủng viện lệ thuộc vào Tòa Giám mục. Hằng năm Tòa Thánh giúp kinh phí cho Chủng viện. Kinh phí đó được chuyển về Tòa Giám mục. Tòa Giám mục chịu trách nhiệm quản lý và chi trả các chi phí của Chủng viện. Đức Cha Phaolô quyết định: Từ nay, kinh phí trợ giúp đó được trực tiếp chuyển thẳng về Đại Chủng viện quản lý và chi trả. Việc xây dựng những cơ sở lớn của Đại Chủng viện do Giáo phận.
Đức Cha Phaolô cũng đề nghị tăng tiền ăn của mỗi chủng sinh lên từ 18 đến 20.000 đồng/ngày; “thay vì ăn ít mà phải mua thuốc uống thì nên dùng tiền đó vào tiền ăn thì tốt hơn”.
Hai Đức Cha và ban đào tạo thống nhất là hai Giáo phận sẽ dành một ngày quyên tiền giúp Đại Chủng viện. Ngày đó sẽ là Chúa nhật Chúa Chiên Lành hằng năm. Mọi đóng góp sẽ được chuyển về Đại Chủng viện.

Kết luận

Công việc huấn luyện con người luôn là công việc khó nhọc, đòi hỏi nhiều dấn thân, đặc biệt trong việc đào tạo và huấn luyện các linh mục. Sức sống của Giáo phận tùy thuộc rất nhiều vào kết quả đào tạo tại Đại Chủng viện. Đức Cha Phaolô cám ơn những cố gắng của các cha đã quảng đại và dấn thân trong lĩnh vực khó khăn này. Hy vọng những cố gắng đó được sinh hoa kết trái như lời thánh Phaolô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,7).


Lm: Phêrô Nguyễn Văn Hương

15 thg 8, 2010

Giáo xứ Thượng Lộc mừng lễ Mẹ Lên Trời

Vào lúc 16h ngày 15/08/2010 linh mục quản xứ Thượng Lộc Giuse Nguyễn Viết Nam đã long trọng dâng thánh lễ mừng Đức Mẹ lên trời.
Thánh lễ có sự tham dự đông đủ giáo dân trong trong giáo xứ.
Hình ảnh thánh lễ:








14 thg 8, 2010

''Việc Chúa làm cho ta, Ôi vĩ đại!''

VietCatholic News

Ngày xưa, khi dân Do thái được Chúa đưa về từ Ba-by-lon, nơi họ phải làm tôi 70 năm, họ đã vui mừng cất tiếng tung hô: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại.”

Cả một dân tộc bị bứng đi khỏi nơi chốn nhau cắt rốn trong một thời gian khá dài, đã nói lên tâm trạng ngỡ ngàng và niềm vui chan chứa của mình khi trở về trong những câu thơ:
“Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về
Ta tưởng minh như giữa giấc mơ.
Vang vang ngoài miệng câu cười nói
Rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.”


Thật vậy. Làm sao không tưởng là mơ, khi chẳng có một nhà cách mạng hay anh hùng dân tộc nào đứng lên khởi nghĩa, thế mà dân Do thái lại được giải thoát khỏi ách nô lệ, trở về quê cha đất tổ, không tốn phí một chút tài lực hay nhân lực. Số là Chúa đã soi lòng cho vua Ki-rô để họ ra đi, lại còn xuất tiền trong công quỹ giúp họ xây dựng lại đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Khi nhớ lại biến cố này, có người đã liên tưởng đến cuộc trở về của Đức Cha Giu-se Ngô quang kiệt chiều ngày 6 tháng Tám mới đây. Khi ngài ra đi cách đột ngột đêm ngày 12.5.2010, ít ai nghĩ rằng ngài có thể trở lại Việt Nam chỉ gần ba tháng sau khi vắng mặt. Người ta không hy vọng ngài trở về, vì chính quyền Hà nội nhất quyết bằng bất cứ giá nào phải đẩy ngài ra khỏi Hà nội và Việt nam. Ngài đã ra di trong nỗi buồn sầu và tiếc thương của rất nhiều người, vì người ta vẫn nghĩ rằng chẳng bao giờ ngài còn được trở về nữa.

Ấy thế mà nay ngài đã trở về ! Ngài không còn mất ngủ, sức khoẻ được phục hồi nhanh chóng. Những ai yêu mến và nhớ thương ngài, nay hẳn lấy làm vui mừng và sung sướng. Đọc các lời phát biểu và xem hình ảnh trên một số trang mạng, người ta cảm nhận được điều đó. Đã có những lời cầu nguyện và tạ ơn: cầu nguyện cho ngài được bình an mạnh khoẻ và tạ ơn vì Chúa đã đưa ngài về, cũng như xưa đã đưa dân Do thái trở lại Giê-ru-sa-lem.

Việc Chúa làm thật vĩ đại, ngoài sức tưởng tượng và suy đoán của con người. Mới dây thôi, người ta còn đề nghị Vatican không để cho ngài về trong tháng Mười vào dịp họp của HDGM, cũng không cho giữ một chức vụ nào tại Vatican. Ý định tống khứ thật là quyết liệt. Nhưng sự việc lại diễn ra theo một lối khác. Bình thường mà nói, dễ gi ngài về được và có về thì cũng chưa chắc đã được vào.

Thế mà nay ngài đã về, đã vào và đang ở đó như một ngọn đèn chầu, đêm ngày cầu nguyện cho sụ thật và công lý được tôn trọng trong tư thái bình an và siêu thoát. Nhìn bên ngoài thi xem ra như đó là một sự dàn xếp ngầm giữa các bên liên hệ, nhưng nhìn theo con mắt đức tin thì phải nghĩ rằng đó là một sự sắp đặt nhiệm mầu của Chúa, một công việc vĩ đại của Người.

Thật đúng như lời thánh vịnh 125:
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra di, đi mà mà nức nở
Mang hạt giống vãi gieo;
Lúc trở về, về reo hớn hở
Vai nặng gánh lúa vàng.”
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế, O.P.

13 thg 8, 2010

Những sứ điệp Mẹ dạy tại La Vang

VRNs (13.08.2010) - Hoa Kỳ - Lễ Đức Maria Lên Trời, năm C: Kh 11:19a;12:1-6, 10ab; 1Cr 15:20-27; Lc 1:39-56
Ngoài hai nơi Ðức Mẹ hiện ra được vang tiếng khắp thế giới là Lộ Ðức thuộc nước Pháp và Fatima thuộc nước Bồ Ðào Nha, Ðức Mẹ còn hiện ra ở những nơi khác nhau trên thế giới để nhắn nhủ loài người sống theo đường lối của Chúa hoặc để an ủi con cái loài người khi họ gặp khó khăn quẫn bách. Tại Việt Nam năm 1798, Ðức Mẹ hiện ra ở La Vang để an ủi, khích lệ giáo hữu bị bách hại vì đức tin dưới thời Vua Cảnh Thịnh.

Trong khi bị quân lính lùng bắt, ép buộc bỏ đạo, giáo dân kéo nhau chạy trốn vào rừng La Vang, nơi rừng thiêng nước độc, sợ thú dữ, hùm beo, rắn rết. Họ thiếu ăn, thiếu ngủ, lại sợ quân lính rượt bắt. Lúc này Ðức Mẹ hiện ra với nét mặt nhân từ âu yếm yên ủi họ. Theo một truyền thuyết, Ðức Mẹ bảo họ hái lá vằn, giọng Quảng Trị đọc trại ra là lả vằng, nẩu lên mà uổng sẻ hểt bệnh. Lả vằng sau biến thành La Vang. Theo một tương truyền khác, người ta nói miền này có cọp beo, nên khi thấy cọp, dân kêu la lớn tiếng, la vang lên để đuổi cọp. Còn theo lập luận của một giáo dân làng Cổ Thạch, tỉnh Quảng Trị thì khi người ta la lên, giọng của họ vang dội lại từ núi rừng nên họ gọi nơi này là La Vang, nghĩa là la lên rồi vang lại. Người này đã vào La Vang để thí nghiệm và chứng minh giọng của mình la lên, rồi vang lại từ núi rừng [1] .

Các Giám mục Giáo phận Huế, người Pháp và Việt, đã cho xây Ðền Mẹ La Vang bốn lần sau khi nhà thờ nhỏ bị hư hỏng. Ðền thờ được xây lại lần thứ năm do Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bị tàn phá do chiến tranh vào mùa hè đỏ lửa 1972, Đền thờ được sửa tạm lại do sự giúp đỡ của đồng bào Việt nam hải ngoại để ăn mừng hai trăm năm vào năm 1998.

Từ năm 1901, tượng Ðức Mẹ La Vang đã được phỏng theo tượng Ðức Bà chiến thắng ở Vương Cung Thánh đường Notre Dame tại Ba Lê. Cũng vào năm này, Ðức Cha Gasper đã làm phép thánh tượng La Vang và đặt bổn mạng của thánh đường La Vang là Ðức Bà phù hộ các giáo hữu. Cũng nên biết tước hiệu Ðức Bà phù hộ các giáo hữu đã được Ðức Giáo hoàng Piô V thêm vào Kinh Cầu Ðức Bà.

Ðền thánh La Vang đã được những vị chức sắc đạo đời đến thăm viếng và cầu nguyện như Hoàng Hậu Nam Phương, Hồng Y Spellman là tổng Giám mục Nữu ước, hồng Y Agagianian là Ðặc sứ của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII và nhiều giám mục Việt Nam bắt đầu từ Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng, Giám mục tiên khởi người Việt.

Ðại hội Ðức Mẹ La Vang đã được tổ chức vào những năm 1904, 1914, 1932, 1954, 1961. Năm 1961, Hội Ðồng Giám mục Việt Nam quyết định chọn Thánh đường La Vang làm Ðền thờ toàn quốc dâng kính trái Tim Vô nhiễm Ðức Mẹ và nhận linh địa La Vang làm Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc. Vào cuối Ðại hội La Vang 1961, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban Sắc Chỉ nâng Ðền Thờ La Vang lên hàng Vương Cung Thánh đường [2].

Trong dịp tôn vinh 117 vị anh hùng tử đạo tại Việt nam lên hàng hiển thánh vào năm 1988, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở đoàn con Việt Nam sang La mã dự lễ phong thánh đừng quên linh địa La Vang là nơi đã được dâng kính cho Ðức Mẹ.

Trong ngày lễ Các Thánh Tư Ðạo Việt Nam 1992, Ðức Giáo hoàng còn nói: Cha phó dâng cộng đồng Viêt Nam cho Ðức Trinh nữ, Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo, đã được sùng kính gần 200 năm tại nơi đây với niềm mong ước cho cộng đồng dân Chúa ở đây được sống và lớn lên trong tự do và an bình, để có thể góp phần vào việc xây dựng một xã hội phồn thịnh và phát triển đất nước.

Vào ngày lễ Mẹ lên trời 1993, Ðức Thánh Cha còn nói rõ hơn: Cha phó thác toàn thể cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam vào sự chuyển cầu của Ðức Mẹ La Vang. Mẹ là hiền mẫu đã hiện ra năm 1798 để an ủi con cái Mẹ đang bị bách hại dưới triều vua Cảnh Thịnh.

Ðến năm 1994, chính Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã làm phép thánh tượng Mẹ La Vang tại quảng trường thánh Phêrô và tượng đó đã được rước đến các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại cho giáo dân kính viếng và cầu nguyện. Năm 1996, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, nhân danh Ðức Thánh Cha đã gửi đến Ðại Hội Hành Hương La Vang lời chào mừng như sau: Ðức Thánh Cha chia sẻ niềm vui, hiệp thông lời cầu nguyện của cộng đồng dân Chúa tại Tổng Giáo phận Huế và trong cả nước Việt Nam, hiệp thông lời cầu nguyện và niềm vui của các vị chủ chăn, cùng đi với giáo dân tới La Vang, tôn kính và ngợi khen Ðức Trinh Nữ, Ðấng an ủi và nâng đỡ họ trong thời buổi gian nan thử thách. Ðức Thánh Cha cũng khuyến khích các tín hữu sống kiên trung và can đảm.

Năm 1999, một phái đoàn giám mục Hoa Kì thuộc các uỷ ban có liên hệ đến Việt Nam do Ðức Cha Joseph A. Fiorenza hướng dẫn đến thăm Việt Nam và La Vang. Sau khi đọc qua bản tóm lược lịch sử Mẹ La Vang và hiện tình hai quốc gia liên hệ, Ðức Cha Fiorenza, đại diện Hội Thánh Hoa Kì nói:Xin nhận Mẹ La Vang là Mẹ của Hội Thánh và dân tộc Hoa Kì.

Có dịp đến kính viếng và cầu nguyện tại Đền Đức Mẹ Vô Nhiễm tại thủ đô Mĩ quốc một số lần, linh mục Trần Bình Trọng quan sát thấy nhiều quốc gia trên thế giới có gian nhà nguyện kính Đức Mẹ hay ông thánh nọ bà thánh kia của họ tại đây với mấy dòng lịch sử gắn liền với quê hương họ và lời cầu nguyện vắn tắt cho xứ sở họ. Trong tờ Mục Vụ của Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, Virginia, ra ngày 07/09/1997, linh mục đương sự liền khởi xướng ước muốn có gian nhà nguyện kính Mẹ La Vang tại Đền Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Thủ Đô Hoa Kì. Ước muốn khởi xướng được Đức Ông Mai Thanh Lương (sau là Giám mục), Giám Đốc phối trí giữa Hội Đồng Giám mục Hoa Kì và Liên Đoàn Công Giáo Viêt Nam tại Mĩ tán đồng, liền cho khởi sự việc xin phép Hội Đồng Giám Mục Mĩ. Công trình thiết kế được Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kì phối trí với Ban Giám Đốc Đền Đức Mẹ Vô Nhiễm thực hiện. Phần tài trợ là do giáo dân Việt Nam tại Hoa Kì đảm trách.

Gian nhà nguyện kính Mẹ La Vang được thánh hiến ngày 21 tháng 10, 2006 do Đức Cha Donald W. Wuerl, Tổng Giám mục Hoa Định Đốn và là Chủ tịch của Ban Giám Đốc Đền Đức Mẹ Vô Nhiễm chủ tế trong thánh lễ, có Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám mục phụ tá Orange giảng thuyết, với cả trăm linh mục Việt nam từ nhiều giáo phận Mĩ đồng tế và hơn năm ngàn giáo dân Việt Nam từ nhiều tiểu bang Mĩ tham dự ngay cả từ xa xôi như Massachusetts, Missisippi, Texas, California. Tạ ơn Chúa đây là căn phòng cuối cùng còn trống mà Ban Giám Đốc Đền Đức Mẹ Vô Nhiễm dành cho Việt Nam cho việc thiết kế gian nhà nguyện kính Mẹ La Vang. Vì không còn phòng trống, nên những quốc gian xin sau đó, chỉ có thể được treo hình Đức Mẹ của họ ở đâu đó trên tường Đền Mẹ Vô Nhiễm mà thôi mà thôi.

Vậy đâu là sứ điệp của Mẹ La Vang? Sứ điệp thứ nhất của Mẹ La Vang là: Các con hãy tin tưởng, hãy vui chịu đau khổ. Sứ điệp thứ hai của Người Mẹ hiền là: Mẹ đã nhậm lời các con cầu xin. Sứ điệp thứ ba của Mẹ La Vang là: Từ nay về sau, hễ ai đến kêu xin Mẹ ở nơi đây, họ sẽ được toại nguyện.

Kinh Thánh Mẫu La Vang:

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, đầy muôn ơn phước, ngời chói hào quang, muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng. Ðức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ, tinh tuyền, thánh thiện, sinh Ðấng Cứu Ðộ muôn đời. Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con, giữa thời li loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề. Từ ấy gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng: ơn phần hồn, ơn phần xác, người bệnh tật, kẻ ưu phiền, nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhận lời.
Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời, cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con. Cúi xin xuống phước hải hà, đoái thương con cái thiết tha van nài. Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Xin Mẹ phù hộ chúng con, luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông và sau cuộc đời này, xin cho chúng con được về sống bên Mẹ, hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.
Lm. Trần Bình Trọng
_________________
1        Người làm thí nghiệm tiếng người la to, vang lên rồi vọng lại từ núi rừng là Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, làng Cổ Thạch, Quảng Trị để chứng minh lập luận tại sao linh địa này được mệnh danh là La Vang.
  1. Từ triệt (paragraph) 2 của bài này cho tới hết triệt 5 được viết theo tài liệu của các tác giả: Ð. Ô. Trần Văn Hoài, Ð. Ô. Nguyễn Văn Tài, Lm Trần Văn Kiệm.

Truyền giáo tại Việt Nam - Thử xem lại!

VietCatholic News

Dẫn nhập

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đang mừng kỷ niệm hai sự kiện lớn trong lịch sử truyền giáo của mình, 350 năm thành lập hai địa phận tông toà và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm. Hai sự kiện này nói lên mức độ trưởng thành của một cơ cấu tổ chức. Lịch sử truyền giáo vẫn đang tiếp diễn trên dân tộc Việt Nam. Mỗi thời mang một sắc thái riêng. Thời đầu, các vị thừa sai đã không quản ngại để mang hạt giống Tin Mừng vào mảnh đất thân yêu này (1). Sau khi Lời Sự Sống được gieo trồng trên quê hương Việt Nam, vì nhiều lý do phức tạp, người ta cố tìm cách để trù dập hay thậm chí là muốn nhổ tận gốc mầm của Lời Sự Sống; thế nhưng mọi nỗ lực tận diệt đó đều không thành trước sức mạnh nội tại của Lời (2). Thời kỳ cấm cách qua đi, bầu trời trở lại bình yên, Giáo Hội có nhiều cơ hội để thể hiện chính mình hơn; tuy nhiên trong cái thời ổn định này, thì công cuộc rao giảng Tin Mừng hầu như bị chững lại. Nêu lên những thành quả của cha anh để xem xét là tại sao con cháu lại không làm cho cây ra hoa kết quả (4).
1. Thời khai sinh

Công cuộc truyền giáo trên đất nước Việt Nam được bắt đầu kể từ năm 1533. Với một khởi đầu không mấy ai biết đến, khởi đầu đó chỉ được ghi lại như sau: “Năm Nguyên Hoà nguyên niên, đời Lê Trang Tông, có một dương nhân tên là I-Ni-Khu đi đường biển lén vào giảng đạo Gia-tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân, và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thuỷ.”

Nhìn lại quá khứ cách đây mấy trăm năm khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, thì động lực nào đã khiến những vị thừa sai - những người chẳng có họ hàng máu mủ gì với đất nước và con người Việt Nam chúng ta, đã nhiệt tình, can đảm, hết mình và xả thân vì mảnh đất và con người sống trên mảnh đất này bất chấp mọi khó khăn gian khổ khi phải vượt biển sóng dữ trùng khơi? Chính “
tình yêu Đức Kitô thôi thúc” (xc. 2 Cr 5,14) họ mạnh dạn (xc. 2 Cr 5,8.11) và can đảm dám từ bỏ tất cả đến mức quên mình vì phần rỗi chúng ta (xc. 2 Cr 5,1-21). Họ nhiệt tình vì Nước Chúa mà quên đi mọi gian lao vất vả và thậm chí là bất chấp cả cái chết. Không có gì ngăn cản lòng họ nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng. Lửa truyền giáo cháy lên trong trái tim nhiều vị thừa sai. Chỉ xét xem thời gian lênh đênh gian khổ trên sóng nước mà các vị thừa sai đã phải trải qua cũng nói lên tinh thần quyết tâm và kiên cường đối với sứ vụ cao cả là gieo niềm tin và hy vọng cho những con người vừa xa vừa lạ: xa về khoảng cách địa lý; lạ về ngôn ngữ, tập quán và văn hoá.

Khi đặt chân đến một miền đất xa xôi và lạ lẫm như thế, các vị thừa sai đã làm gì để rao truyền sứ điệp cứu độ? Chúng ta cứ thử tìm hiểu và thử nghĩ xem. Xin đừng thần thoại hay thần thánh hoá các vị thừa sai là họ có khả năng thần thông, làm phép lạ này kia hay có tài biến đổi những người dân trong chốt lát thành những Kitô hữu sốt sắng. Các vị đã sống thật con người giữa những con người xa lạ, rồi từ từ cảm hoá những con người xa lạ đó bằng tình yêu thương. Chính tình yêu Đức Kitô thôi thúc họ thì cũng chính tình yêu ấy biến đổi những con người xa lạ ấy trở thành người thân, người nhà của các vị thừa sai, trở thành môn đệ của Đức Kitô.
2. Thời cấm cách 

Dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị rồi Tự Đức, Giáo Hội tại Việt Nam tưởng chừng như không có một tí đất nào để sống sót, chứ đừng nói vươn lên. Cộng đoàn tín hữu nhỏ bé và yếu sức nhờ vào sức mạnh nào, quyền năng nào hay thần lực nào để có thể tồn tại trước bao thử thách đau thương đó? Câu trả lời tuỳ thuộc vào cái nhìn của mỗi người! Đối với người không có đức tin, thì có lẽ họ sẽ trả lời là do sự gian xảo của các tín hữu, những người vẫn bị coi là “quân tả đạo”, “tà đạo”...; đối với người theo chủ nghĩa cục bộ, câu trả lời có lẽ là nhờ sự tiếp sức của thế giới ngoại xâm, nhờ thực dân...; đối với người có niềm tin, thì câu trả lời chắc chắn là nhờ vào quyền năng Thiên Chúa, các tín hữu mới có thể vượt qua mọi thử thách, đau khổ, bắt bớ và tù đày.

Những cực hình, những đòn tra tấn tàn bạo và những cuộc bố ráp để diệt tận gốc không làm suy giảm đức tin của các tín hữu nhưng lại làm cho đức tin ấy kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn và sáng hơn. Các tín hữu đã cảm nghiệm được động lực thiêng liêng để có đủ sức chịu đựng tất cả, như lời thánh Phêrô nói: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1,6-9).

Từ năm 1833 đến 1862 là thời kỳ bách hại đạo nghiệt ngã, nhưng số tín hữu vẫn không ngừng gia tăng từ 320.300 năm 1800 lên đến 426.000 vào năm 1855. Tại sao trong thời kỳ khó khăn như thế mà công cuộc truyền giáo vẫn phát triển mạnh. Chẳng lẽ chúng ta cứ mong Giáo Hội luôn luôn bị bách hại để có thêm người tín hữu? Phải chăng chúng ta cứ mong có nhiều đầu rơi máu chảy để có nhiều người khác theo đạo? Có nhất thiết như thế không? Phải chăng là cần có những trang sử hào hùng để có thật nhiều vị tử đạo? Hằng ngày chúng ta vẫn thường cầu nguyện cho Giáo Hội được bình an và tự do để thi hành sứ vụ Chúa giao phó là gì, nếu không muốn nói là có bớt những bắt bớ, cấm cản và tù đày...?!
3. Thời ổn định

Trong thời kỳ bị bách hại ráo riết, thế mà Giáo Hội vẫn cứ phát triển mạnh, lan rộng nhanh, đức tin kiên cường, người tín hữu hết mình vì Đạo Thánh. Còn thời bình thì sao? Một điều thật nghịch lý là càng được yên ổn bao nhiêu thì Giáo Hội lại không tiến được tí nào bấy nhiêu! Chúng ta thử lấy hai con số cách nhau hơn 30 năm để so sánh: năm 1970, theo thống kê của Thánh Bộ Truyền Giáo dân số Việt Nam là 38.113.000 trong đó có 2.491.839 người tín hữu, người công giáo chiếm 6,5% dân số; theo thống kê năm 2004, dân số Việt Nam là 82.300.000 trong đó 5.670.000 tín hữu, người công giáo chiếm tỉ lệ 6,88%. Hai con số ấy chênh nhau không là bao, cho thấy công cuộc truyền giáo đang khững lại, nếu không muốn nói là không có một sự truyền giáo nào. Vì tỉ lệ gia tăng số người công giáo thấp hơn so với mức tăng dân số tự nhiên của cả nước.
4. Thử xét mình lại xem!

Điều gì đã khiến công cuộc rao giảng Tin Mừng tiến chậm? Phải chăng là do mất lửa truyền giáo? Chúng ta hằng ngày vẫn kêu gọi và cầu nguyện cho việc truyền giáo; lại có cả một năm là Năm Thánh Truyền Giáo (2003); trong năm này có nhiều băng rôn, khẩu hiệu treo trong hầu hết các nhà thờ trong suốt năm này, nhiều khoá học tập thư chung của HĐGM gửi cho cộng đồng Dân Chúa... Trong suốt năm thánh này, lửa truyền giáo đã được đốt lên. Lửa đó đã kịp cháy chưa? Lửa đó có cháy lên trong trái tim của mỗi con người tín hữu không? Hay là chỉ cháy lên nơi những khẩu hiệu? Xong rồi tắp ngúm mất tiêu!

Truyền giáo không tiến triển tí nào, phải chăng là thiếu nhân sự? Hẳn là không phải thế. Bởi vì tại Việt Nam ơn gọi tu trì trong những năm gần đây đều tăng; số dòng tu nước ngoài vào tuyển ơn gọi cũng đông; nhiều dòng mới được thành lập; số giáo lý viên tăng; các hội đoàn ngày thêm nhiều... Và các dòng tu lo việc truyền giáo cũng không thiếu. Nói rộng ra, mỗi người tín hữu là một người truyền giáo, vậy hơn sáu triệu người thì phải có hơn sáu triệu nhà truyền giáo! Nhân sự thật dồi dào! Có điều là sử dụng được đấy thôi!

Vậy thì do thời thế chăng? Lý do này lại không có tính thuyết phục tí nào, bởi vì ngày hôm nay, chúng ta có nhiều phương tiện hơn, có nhiều điều kiện hơn,... Trong những thời kỳ khó khăn cấm cách, đức tin chẳng lớn lên mạnh mẽ đó sao?!

Có phải là do thiếu tài chính? Cứ rảo quanh một vòng đất nước, rõ ràng là có nhiều nhà thờ mới được xây dựng, có nhiều công trình mới được hoàn thành... Thiếu tài chính mà đâu đâu cũng thấy xây nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý,... ? Tài chính có vẻ không có cho quỹ truyền giáo, nhưng có lẽ không thiếu!

Có nhiều câu hỏi nữa cần đặt ra, nhưng chừng ấy cũng đủ để mỗi Kitô hữu Việt Nam chúng ta phải suy nghĩ. Đừng nói là các vị thừa sai hồi xưa có cái này cái kia, nên mới truyền giáo được như thế! Mà mỗi người hãy tự hỏi chính mình tại sao mình lại không đi truyền giáo và không truyền giáo được!
Thay lời kết

Sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là truyền rao ơn cứu độ cho muôn dân. Mỗi người Kitô hữu là thành phần trong gia đình ấy, do đó, chúng ta cũng có thể nói được là mỗi thành phần trong gia đình ấy đều được mời gọi ra đi truyền giáo. Hơn bao giờ hết, Năm Thánh 2010 là một lời mời gọi khẩn thiết Giáo Hội gửi đến mỗi người tín hữu Việt Nam và cũng là một lời thách thức để xem người tín hữu Kitô tại Việt Nam sau năm thánh đặc biệt này có làm gì được cho quê hương này không. “Con hơn cha là nhà có phúc”, có lẽ các thế hệ cha anh của chúng ta đã có công vun trồng lên ngôi nhà Giáo Hội tại Việt Nam này đều mong muốn chúng ta làm hơn thế nữa cho dân tộc này! Mong thay!
FX. Trần Kim Ngọc, OP.

Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa việc tử đạo


VietCatholic News
CASTEL GANDOLFO. Trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng ngày 11-8-2010 tại Castel Gandolfo, ĐTC Biển Đức 16 đã giải thích về ý nghĩa việc tử đạo và mời gọi các tín hữu ”vác thánh giá hằng ngày theo Chúa Kitô”.

Vì số tín hữu hành hương ít, nên ĐTC không bay về Roma để tiếp kiến chung theo thói quen, và ngài đã tiếp hơn 1 ngàn tín hữu tại khuôn viên dinh thự Castel Gandolfo. Hàng trăm tín hữu khác theo dõi buổi tiếp kiến này từ quảng trường bên ngoài dinh Tông Tòa. Hiện diện tại khuôn viên cũng có 6 GM và ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, dòng Don Bosco, nguyên GM giáo phận Hong Kong.

Buổi tiếp kiến được rút ngắn với hình thức đơn sơ hơn. Sau lời chào phụng vụ của ĐTC là phần giới thiệu tên các phái đoàn lên ĐTC, từ các nhóm tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và Ba Lan. Các nhóm reo hò vui tươi khi tên của họ được xướng lên. Trong số các phái đoàn, có hàng chục tín hữu từ Cộng hòa Trung Phi, trong y phục cổ truyền và cầm cờ quốc gia của họ.

Trong bài huấn dụ ngắn tiếp đó bằng tiếng Ý, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa sự tử đạo theo Kitô giáo. Ngài nói:


”Hôm nay, trong phụng vụ chúng ta kính nhớ thánh Clara thành Assisi, sáng lập dòng Clarisse, một nhân vật rạng ngời mà tôi sẽ đề cập đến trong một bài huấn giáo tới đây. Nhưng trong tuần này, như tôi đã nhắc đến trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chúa nhật vừa qua, chúng ta cũng kính nhớ một số thánh Tử Đạo, hoặc thuộc những thế kỷ đầu của Giáo Hội, như thánh Lorenxô Phó tế, thánh Ponziano Giáo Hoàng, và Thánh Ippolitô Linh Mục, hoặc thuộc thời kỳ gần chúng ta hơn như thánh nữ Têrêsa Benedetta Thánh Giá, Edith Stein, Bổn mạng Âu Châu và thánh Maximiliano Maria Kolbe. Bây giờ tôi muốn giải thích qua về sự tử đạo, là hình thức yêu mến trọn vẹn đối với Thiên Chúa.


Tử đạo là gì?

Tử đạo dựa trên điều gì? Câu trả lời thật đơn giản: thưa dựa trên cái chết của Chúa Giêsu, trên hy tế tình thương tột độ của Ngài, để chúng ta được sống (Xc Ga 10,10). Chúa Kitô là người đầy tớ đau khổ mà Ngôn sứ Isaia đã nói tới (Xc Is 52,13-15), Đấng đã hiến mình để cứu chuộc nhiều người (Xc Mt 20,28). Chúa nhắn nhủ các môn đệ, mỗi người chúng ta, hãy vác thánh giá mỗi ngày và theo Ngài trên con đường yêu thương trọn vẹn đối với Thiên Chúa là Cha và yêu mến nhân loại: ”Ai không vác thập giá mình và theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy. Ai giữ mạng sống cho mình thì sẽ mất, và ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó” (Mt 10,38-3). Đó là lôgic của hạt lúa chết đi để nảy mầm và mang lại sự sống (Xc Ga 12,24). Chính Chúa Giêsu là ”hạt lúa đến từ Thiên Chúa, hạt lúa thần linh, để mình rơi xuống đất, để mình bị bẻ ra, gẫy vỡ trong sự chết, nhưng chính nhờ đó, hạt lúa ấy nở ra và có thể mang lại hoa trái dồi dào trong thế giới” (Benedetto XVI, cuộc viếng thăm Nhà thờ Luther ở Roma, 14-3-2010). Vị tử đạo theo Chúa Giêsu đến cùng, tự nguyện chấp nhận chết vì phần rỗi thế giới, trong thử thách tột cùng của đức tin và đức mến (Xc LG 42).

Sức mạnh để chịu tử đạo

”Một câu hỏi nữa, từ đâu nảy sinh sức mạnh để chịu tử đạo? thưa từ sự kết hiệp sâu xa và thân mật với Chúa Kitô, vì tử đạo và ơn gọi tử đạo không phải là kết quả của một cố gắng phàm nhân, nhưng là lời đáp trả sáng kiến và tiếng gọi của Thiên Chúa, đó là một hồng ơn của Thánh Sủng, làm cho chúng ta có khả năng dâng hiến mạng sống mình vì yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội, và yêu mến thế giới. Nếu chúng ta đọc tiểu sử các vị tử đạo, chúng ta ngạc nhiên vì sự thanh thản và lòng can đảm của các vị khi đương đầu với đau khổ và sự chết: Sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ hoàn toàn trong sự yếu đuối, trong sự nghèo hèn của người tín thác vào Chúa và đặt niềm hy vọng của mình nơi Ngài (Xc 2 Cr 12,9). Nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là ơn thánh của Chúa không hủy bỏ hoặc bóp nghẹt tự do của người đương đầu với tử đạo, trái lại càng làm cho tự do ấy được phong phú và thăng hoa: vị tử đạo là một người rất tự do, tự do đối với quyền lực, đối với thế giới; một người tự do, dâng hiến trọn mạng sống cho Thiên Chúa trong một cử chỉ duy nhất, và trong thái độ tin, cậy, mến tột cùng, vị tử đạo phó thác mình trong tay Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc; hy sinh chính mạng sống mình để kết hiệp hoàn toàn với hy tế của Chúa Kitô trên Thánh Giá. Nói tóm một lời, tử đạo là một đại cử chỉ yêu thương đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa.


Vác thánh giá hằng ngày

”Anh chị em thân mến, như tôi đã nói hôm thứ tư tuần trước, có lẽ chúng ta không được kêu gọi chết vì đạo, nhưng không ai trong chúng ta bị loại khỏi ơn gọi nên thánh, sống ở mức độ cao cuộc sống Kitô và điều này có nghĩa là phải vác thánh giá mỗi ngày. Trong thời đại ngày nay, lòng ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa dường như lướt thắng, tất cả chúng ta đều phải đảm nhận nghĩa vụ đầu tiên và cơ bản, đó là tăng trưởng mỗi ngày trong tình yêu ngày càng sâu đậm hơn đối với Thiên Chúa và anh chị em để biến đổi cuộc sống chúng ta và qua đó biến đổi thế giới chúng ta đang sống. Nhờ lời chuyển cầu của Các Thánh và các Vị Tử Đạo chúng ta hãy cầu xin Chúa hun nóng tâm hồn chúng ta để có thể yêu mến như Chúa đã yêu thương mỗi người chúng ta.

Sau bài huấn dụ trên đây, ĐTC đã chào thăm các nhóm theo ngôn ngữ của họ. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài cầu mong đời sống của các thánh mang lại cho mỗi người tấm gương can đảm và tin tưởng, đáp lại cử chỉ yêu thương vô biên của Chúa Kitô trên Thánh Giá!.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nói: ”Tôi chào thăm tất cả các tín hữu hành hương nói tiếng Anh hiện diện hôm nay. Đặc biệt tôi chào mừng các bạn trẻ giúp lễ từ Malta và gia đình họ, đồng thời cám ơn họ vì sự trung thành phục vụ tại Đền thờ Thánh Phêrô. Tôi cũng chào các nhóm hành hương từ Nigeria, Indonesia và Hoa Kỳ. Trong tháng 8 này, Giáo Hội tưởng niệm rất nhiều vị tử đạo,chúng ta hãy cảm tạ vì tất cả những người đã theo Chúa Kitô cho đến cùng, bằng cách dâng hiến mạng sống của mình kết hiệp với hy sinh của Chúa trên Thập Giá. Ước gì cử chỉ yêu thương tột cùng và thần phục của các ngài đối với Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta trên con đường nên thánh và bác ái đối với anh chị em chúng ta.”

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC đặc biệt nhắc đến tấm gương của thánh Maximiliano Kolbe tử đạo, mừng kính vào thứ bẩy 14-8 tới đây. Ngài nói: ”Qua sự tự nguyện vào hầm bỏ đói, trong hỏa ngục của trại tập trung Auschwitz, thánh nhân đã cứu mạng của một người cha vô tội và phá vỡ sự điên rồ của bạo lực. Chứng tá đức tin cảm động này, niềm hy vọng và tình yêu thương thúc đẩy chúng ta tăng trưởng trong sự theo Chúa Giêsu Kitô ngày qua ngày trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tôi cầu xin ơn phù trợ của Thánh Linh cho anh chị em trong ý hướng đó.

Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC hiệp ý và liên đới với những người đang chịu đau khổ trong những ngày này vì nạn lụt và cầu xin Chúa ban cho họ sức mạnh để chịu đựng nghịch cảnh, khích thích tâm hồn những người thiện chí quảng đại giúp đỡ các nạn nhân”.

Sau cùng bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngài nhắc nhở rằng: ”Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh nữ Clara thành Assisi, Người đã biết can đảm và quảng đại sống gắn bó với Chúa Kitô. Hỡi những người trẻ, các con hãy noi gương thánh nữ, trung thành đáp lại tiếng gọi của Chúa. Anh chị em bệnh nhân quí mến, tôi khích lệ anh chị em hãy kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đau khổ bằng cách vác thánh giá của Anh chị em trong tinh thần đức tin. Và hỡi anh chị em tân hôn, hãy trở thành những tông đồ của Tin Mừng yêu thương trong gia đình của Anh chị em..

Buổi tiếp kiến chỉ kéo dài 30 phút và kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.
LM Trần Đức Anh OP

Tử vì đạo là một hình thức của tình yêu tuyệt đối dành cho Thiên Chúa và tha nhân

VietCatholic News

Castel Gandolfo (AsiaNews) - Tử vì đạo là một "hình thức của tình yêu tuyệt đối dành cho Thiên Chúa" mà không phải tất cả mọi người đều được mời gọi. Nhưng mọi Kitô hữu được mời gọi để "hằng ngày triển nở trong một tình yêu lớn hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân" nhằm biến đổi thế gian, nơi mà "sự ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân" thắng thế. Đây là điều mà Đức Thánh Cha ban huấn từ trong buổi triều yết chung Thứ Tư 11/08/2010 được tổ chức tại khoảng sân của Dinh Thự mùa Hè Castel Gandolfo.

Lấy cảm hứng từ một số vị tử vì đạo trong phụng vụ của những ngày này - Thánh Lawrence, Thánh Pontian, Thánh Hippolytus, Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá, Thánh Edith Stein, Thánh bổn mạng của Âu Châu và Thánh Maximilian Kolbe – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dành bài Giáo Lý của mình để nói về tử vì đạo, một "hình thức của tình yêu tuyệt đối dành cho Thiên Chúa".

Trước tiên, Đức Giáo Hoàng giải thích về "nơi mà việc tử vì đạo được lập nên". Ngài cho hay: "Câu trả lời thật đơn giản: cái chết của Chúa Giêsu, nơi sự hy sinh tột bậc của ngài dành cho tình yêu, chết trên thập giá để chúng ta có thể có được sự sống (x. Ga 10,10). Chúa Kitô là người tôi tớ đau khổ mà tiên tri Isaia nói đến (x. Is 52,13-15), Đấng tự hiến để cứu độ muôn người (x. Mt 20,28). Ngài thúc giục môn đệ ngài, thúc giục mỗi người chúng ta vác thập giá hàng ngày và thực hiện theo con đường tình yêu tuyệt đối của của Thiên Chúa Cha và nhân loại: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được" (Mt 10,38-39). Đó là lý luận hạt lúa nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác và mang lại sự sống (x. Ga 12,24). Chính Chúa Giêsu là hạt lúa đến từ Thiên Chúa, hạt lúa thiêng liêng của cây lúa, đã rơi xuống đất, tự cho mình mục nát, mục nát trong sự chết, và qua đó, mở ra và có thể trổ sinh hoa trái nơi trần thế bao la (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viếng Nhà thờ Lutheran của Rôma ngày 14 tháng Ba năm 2010). Vị tử vì đạo theo Chúa đến cùng, bằng cách chấp nhận một cách tự do để chết cho sự cứu độ thế gian, một thử thách tột bậc của đức tin và tình yêu (x. Lumen Gentium, 42).

Đức Thánh Cha cho hay thêm tử vì đạo và ơn gọi để tử vì đạo không phải là kết quả của nỗ lực con người, nhưng là đáp lại sáng kiến và lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng là món quà ơn huệ Chúa, để chúng có thể mang sự sống của mình cho tình yêu của Chúa Kitô và Giáo Hội, và do đó cho thế gian. Nếu chúng ta đọc lại đời sống của các vị tử vì đạo, chúng ta ngạc nhiên bởi sự bình thản và lòng can trường của họ trong đau khổ và sự chết: sức mạnh của Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối, nghèo khổ của những người trao phó bản thân cho Chúa và đặt niềm hy vọng của mình vào một mình Ngài (x. 2 Cr 12,09)".

Đức Thánh Cha cho hay thêm tử vì đạo "làm phong phú thêm" và "đề cao" sự tự do của những người đối diện với nó: "vị tử vì đạo là một người tự do tột bậc, thoát khỏi sức mạnh của thế gian; một người tự do là người trong hành động cuối cùng dâng tặng toàn bộ sự sống của mình lên Thiên Chúa, và trong một hành động tột bậc của đức tin, hy vọng và bác ái, từ bỏ chính mình trong tay Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Thế, hy sinh mạng sống mình để hoàn toàn trở thành một phần của sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá".

Tất nhiên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rõ rằng không phải tất cả mọi người được kêu gọi tử vì đạo, "nhưng không ai trong chúng ta bị loại khỏi lời mời gọi thiêng liêng nên thánh, để sống đời sống Kitô hữu của mình ở mức cao và nghĩa là vác lấy thập giá chính mình mỗi ngày".

Đức Thánh Cha đi đến kết luận: "Tất cả mọi người, nhất là trong thời đại của chúng ta, khi chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ dường như thắng thế, phải thực hiện dấn thân trước tiên và căn bản để hằng ngày triển nở trong một tình yêu lớn hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân nhằm biến đổi đời sống chúng ta và vì thế biến đổi thế gian. Nhờ lời cầu bàu của các các thánh và các vị tử vì đạo, chúng ta cầu xin Thiên Chúa làm bừng cháy con tim mình để có khả năng yêu thương như Ngài yêu thương mỗi người chúng ta".

Trong số các giám mục hiện diện tại buổi huấn từ giáo lý có Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục về hưu của Hồng Kông. Vào năm 2008 Đức Thánh Cha đã giao phó cho Đức Hồng y Giuse suy niệm Đường Thánh Giá vào ngày Thứ sáu Tuần Thánh, khi vị giám mục Trung Quốc nhắc lại nhiều lần sự tử vì đạo và bách hại các Kitô hữu trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc.
Nguyễn Hoàng Thương