Toàn cảnh giáo xứ Thượng Lộc |
[GPVO] - Từ tuyến đường 1A tránh Vinh nhìn xuống, những công trình xây dựng cao tầng thi nhau mọc lên. Hệ thống đường sá được đầu tư mở rộng. Đời sống kinh tế vật chất khấm khá, cuộc sống văn hóa tâm linh cũng được thúc đẩy. Tất cả dường như phác họa hình ảnh một giáo xứ trên đà phát triển hôm nay.
Sức sống mới nơi giáo xứ ven đô*
Những năm trước, nếu ai có dịp về thăm Thượng Lộc chắc không khỏi băn khoăn trước những vất vả trong cuộc sống nghề nông của giáo dân nơi đây. Thuộc xứ đạo Bố Sơn, đời sống bà con tín hữu hoàn toàn phụ thuộc vào cấy cày; lúc nhàn rỗi thì rủ nhau đi “cửu vạn”, làm thuê trên phố.
Giã từ ký ức một miền quê nghèo, Thượng Lộc đang lột xác, “thay da đổi thịt” trở thành một làng Công giáo phát triển nhanh, mạnh về kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Người dân nơi đây đang được hưởng những “ân lộc từ trên ban xuống” đúng như ý nghĩa tên gọi mà tổ tiên đã chọn lấy khi thành lập làng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Antôn Trần Xuân Dần - chủ tịch Hội đồng mục vụ đã vui mừng nêu bật một số thành tựu giáo xứ đạt được trong phát triển kinh tế.
Điểm mạnh nơi đây là phong trào xuất khẩu lao động. Tính sơ qua, trong làng chỉ 2000 giáo dân nhưng có trên 100 con em đang sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, đông nhất là tại Anh, Đức, Ba Lan, Bỉ, Úc, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, v.v..
Vì sao từ chỗ là địa phương nghèo mà số người xuất ngoại đông đảo như vậy? Phương pháp của bà con tín hữu ở đây cũng khá đơn giản. Ban đầu, một số hộ thường là anh em họ hàng ruột thịt chung vốn để một thành viên trong nhóm đi. Nếu thuận lợi thì thời gian sau, số tiền làm ra được gửi về để những người kia tiếp tục.
Nhờ lượng ngoại tệ gửi về, người ở nhà có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm thiết bị tiện nghi để phục vụ cuộc sống, có vốn để đầu tư kinh doanh, buôn bán. Con cái được quan tâm và lo lắng về mặt học hành. Đời sống người giáo dân trên đất phía tây nam Nghi Vạn được nâng lên bằng mức sống của nhiều hộ khá giả tại địa phương.
Mặc dù sinh sống tản mác nhưng với ý thức lưu giữ những truyền thống tốt đẹp vốn có; những nhóm, hội đồng hương đã được thành lập ra để thắt chặt tình cảm của đoàn con xa quê với mẹ.
Các hoạt động sinh hoạt lớn trong giáo xứ đều nhận được sự hỗ trợ tận tình từ những nhóm này. Thông qua Đức Cha Cao Đình Thuyên, một số giáo dân gốc Thượng Lộc tại Anh đã tài trợ số tiền hàng trăm triệu đồng để thiết lập đội kèn Tây 60 người (19.11.2008). Ông G.B Mai Xuân Trung, Phó chủ tịch Hội đồng mục vụ cho biết thêm về việc nhóm đồng hương Ba Lan dành tặng nhà thờ quả chuông trị giá hàng chục triệu đồng hiện đang treo trên tháp.
Hãy trao cho nhau nén bạc hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng
Căn cứ sự phát triển trên nhiều phương diện, Tòa Giám mục Xã Đoài đã quyết định thiết lập giáo xứ Thượng Lộc ngày 5-7-2008. Theo dự kiến, giáo họ sẽ sát nhập với họ đạo Hưng Thịnh (Kẻ Gai) trở thành một đơn vị nhưng không thành. Kể từ đó, Thượng Lộc trở thành giáo xứ độc lập từ một giáo họ duy nhất.
Antôn: Trần Đức Hà